Viếng thăm đền thánh Preah Vihear

Viếng thăm đền thánh Preah Vihear




Tháng 11 ở Campuchia thời tiết khá mát mẻ so với cả năm, mùa mưa bắt đầu kết thúc, sẽ là một dịp thuận lợi để thăm thú đây đó trên mảnh đất giàu văn hóa truyền thống này. Ngày lễ đua thuyền năm nay, chính phủ Campuchia tuyên bố không tổ chức hoạt động đua thuyền, để dành kinh phí hỗ trợ các vùng lũ đã chịu nhiều thiệt hại trong mùa mưa lũ vừa qua. Vì vậy chúng tôi lên kế hoạch cho một chuyến thăm đến Preah Vihear, ngôi đền đã gây nhiều căng thẳng chính trị và quân sự giữa Thái Lan với Campuchia, thu hút sự quan tâm, lo ngại cho toàn thế giới trong một năm qua.
Từ thủ đô Phnom Penh chúng tôi bắt đầu chuyến đi từ 7h sáng thông qua ngả Kompong Thom, một thị xã lớn nằm cách Phnom Penh 169km về phía Bắc. Bắt đầu từ Quốc lộ 6A rồi Quốc lộ 6, thị xã Kompong Thom nhanh chóng hiện ra sau gần 3 tiếng lái xe. Qua trung tâm thị xã chừng 4km, thay vì rẽ trái đi thành phố du lịch Siem Reap với đền Angkor Wat nổi tiếng, chúng tôi nhắm thẳng hướng Bắc tiến đến tỉnh Preah Vihear trên Quốc lộ 64. Con đường này hiện đang được tu sửa, chỉ vừa mới bắt đầu sau khi xung đột leo thang tại Preah Vihear. Xe chúng tôi đi khá thoải mái và nhanh trên đường nhựa mới tinh, hầu như thẳng tắp và vô cùng thưa thớt dân cư. Từ ngã ba đường, chỉ cần thêm 24km, bạn cũng có thể tham quan một di tích văn hóa cũng nổi tiếng không kém của đất nước Chùa Tháp, đó là quần thể đền Sambo Preikuk. Tuy nhiên, có lẽ chuyến đi này nên dành trọn cho Preah Vihear vì chúng tôi còn tới 240km nữa.
Chụp ảnh cùng các anh lính đẹp trai tại đền Preah Vihear
Cung đường này qua rất nhanh vì có thể duy trì tốc độ xe khá cao, chỉ trừ khoảng 50km đường đang được san ủi, đất đỏ mịt mù đến nỗi tầm nhìn giảm xuống còn khoảng 20m nếu bạn đi sau một chiếc xe khác. Nhưng rồi cũng nhanh chóng đến những cung đường trải nhựa phẳng phiu, cỏ lau um tùm cao quá đầu người trải dài hút tầm nhìn hai bên đường. Có lẽ chúng chỉ mới mọc lên vội vàng trong mùa mưa vừa qua. Cách đền Preah Vihear chừng 50km, hầu như không thấy ngôi làng nào hai bên đường, mà chỉ vài doanh trại quân đội thấp thoáng dưới bóng cây rừng. Trên suốt con đường này, chúng tôi chỉ gặp những người lính trong quân phục màu xanh di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô mà không thấy bóng dáng người dân nào. Khoảng 4h chiều, cả đoàn đến thị trấn Sra-em thuộc huyện Cheom Khsan. Từ thị trấn này, chỉ còn chừng 33km là đến đền Preah Vihear. Chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ đêm tại đây, để dành trọn buổi sáng ngày mai tham quan đền Preah Vihear.
Công sự dày đặc lối mòn vào đền Preah Vihear
Thị trấn khá nhỏ bé với một ngã ba lớn có bùng binh, dân cư tập trung tại ngã 3 này theo các hướng mà hướng xa nhất cũng chỉ 500m. Tại đây có khá nhiều đồ gỗ được bày bán hai bên đường. Không khó khăn lắm để tìm được một nhà nghỉ khá tươm tất với máy lạnh và khu nhà hàng trông rất sạch sẽ. Chúng tôi được biết chủ của nhà nghỉ Sok San này là người Việt nhưng không thể tìm được người nào nói tiếng Việt tại đây. Thị trấn Sra-em tắt đèn từ khá sớm và dường như không có nơi nào có thể tham quan vào ban đêm. Do đó, chúng tôi đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai.
Từ sáng sớm, chúng tôi thức giấc và bắt đầu buổi sáng với món hủ tiếu tại nhà hàng Sok San. Chỉ còn chừng 20 phút nữa là đến với rặng núi Dangrek phân chia biên giới Cam-Thái, nơi đền Preah Vihear tọa lạc. Đường đi khá đẹp và hoàn toàn vắng người, chúng tôi nhanh chóng đến chân núi Dangrek. Tại đây, một trung tâm đăng ký dành cho khách du lịch được lưu ý bằng tấm bảng rất lớn mang dòng chữ “Ticket Booth”. Chúng tôi dừng xe, một vài người địa phương ngạc nhiên quan sát chúng tôi và cả chiếc xe của đoàn nữa. Sau này tôi mới hiểu là họ kiểm tra xem xe của chúng tôi có phải loại hai cầu để có thể leo lên được đỉnh núi hay không. Trong sân của trung tâm này, có rất nhiều xe pick up 2 cầu đang nằm chờ, sẵn sàng để chở du khách lên đỉnh núi thăm đền Preah Vihear với giá thuê khoảng 30$/chuyến. Chúng tôi vào đăng ký vé và hơi bất ngờ vì các cô gái trẻ tại đây rất niềm nở và hiếu khách, họ nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi khai tên tuổi, quốc tịch vào một cuốn sổ và rồi cấp vé cho chúng tôi. Điều bất ngờ hơn là vé hoàn toàn miễn phí. Cô gái tại bàn đăng ký giải thích rằng Bộ du lịch Campuchia đang khuyến khích du khách đến với Preah Vihear nên hiện không thu bất cứ phí tham quan nào. Một anh chàng vui tính đề nghị sẽ làm tài xế cho chúng tôi lên đỉnh núi, vì mặc dù xe của chúng tôi có thể lên núi, nhưng cần có một tài xế quen đường để có thể xử lý tốt các khúc cua gấp trên dốc núi thẳng đứng. Chúng tôi đồng ý với mức thù lao 15$ mà anh ta đề nghị. Và sau đó, không ai trong đoàn cảm thấy phải hối tiếc vì đã bỏ ra một khoản quá xứng đáng cho 6km từ chân núi lên đến ngôi đền với những con dốc đứng nhìn muốn nghẹt thở.
Xe pick up chờ đưa khách lên đền Preah Vihear
Trước đây, hầu như du khách chỉ có thể tiếp cận ngôi đền từ phía Thái Lan. Nhưng từ năm 2003, chính phủ Campuchia đã ý thức rằng cần có một lối đi để có thể dễ dàng lưu thông đến ngôi đền một cách độc lập và cho xây dựng con đường này. Hiện vẫn còn một số đoạn đường đang tiếp tục được xây dựng, nhưng có thể thấy toàn bộ con đường sẽ sớm hoàn thiện. Mặc dù có những con dốc thẳng đứng khá nguy hiểm, nhưng với xe hai cầu và anh tài xế thiện nghệ, chúng tôi đến đỉnh núi sau khoảng 15 phút.
Rặng Dangrek nằm phía Bắc Campuchia trải từ Đông sang Tây dài 320km có độ cao trung bình là 500m trên mực nước biển, tạo thành một biên giới tự nhiên ngăn cách với Thái Lan. Đền Preah Vihear được xây dựng trên một mỏm đá cheo leo của rặng núi này. Đây là ngôi đền Hindu giáo được xây dựng bởi các vị vua của Đế chế Khmer từ đầu thế kỷ thứ 9 và liên tục được tu sửa cũng như xây mới trong những thế kỷ sau đó để tôn vinh thần Shiva – vị thần sáng tạo và hủy diệt trong truyền thuyết Hindu giáo. Các kiến trúc còn sót lại ngày nay có thể tìm thấy phong cách kiến trúc Koh Ker có từ đầu thứ kỷ thứ 10 và cả phong cách Banteay Srei cuối thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên, phần lớn các kiến trúc còn lại hiện nay đã được xây dựng trong thế kỷ thứ 11 và 12 dưới thời các vị vua Suryavarman I (1002–1050) và Suryavarman II (1113–1150). Qua các văn bia bằng tiếng Phạn tại ngôi đền, người ta biết rõ rằng dưới thời Suryavarman II ngôi đền đã được sử dụng cho mục đích tôn giáo với rất nhiều nghi lễ cúng tế, tu hành và lễ hội tôn giáo.
Đền Preah Vihear được xây dựng trên một bề mặt khá bằng phẳng trên đỉnh núi, độ cao 525m so với đồng bằng phía dưới và 625m so với mực nước biển, trải dài 800m quay mặt về hướng Bắc. Đây là một nét độc đáo của Preah Vihear với bố trí kiến thúc của toàn quần thể theo chiều dài trục Bắc-Nam, rất khác so với hầu hết các ngôi đền khác trong thời kỳ Angkor luôn được bố trí khuôn viên hình vuông đặc trưng phong cách đền núi và cửa đền quay về hướng Đông. Tuy vậy, giống như các ngôi đền khác, Preah Vihear vẫn là một mô phỏng cho ngọn núi Meru – ngôi nhà của các vị thần trong truyền thuyết Hindu giáo.
Điện thờ cấp thứ nhất của Preah Vihear
Ngôi đền là một kiệt tác kiến trúc của người Khmer, thể hiện trình độ thiết kế rất cao, được trang trí bởi những họa tiết chạm khắc đá tinh xảo bậc nhất và sự kết hợp hài hòa với môi trường cảnh quan xung quanh.
Toàn thể kiến trúc ngôi đền trải dài qua 5 cấp, với độ cao tăng dần đều mà phía Bắc thấp hơn phía Nam tới 120m. Bắt đầu tại cấp thứ nhất là dãy bậc thang rộng 7m và khá dốc, với chiều dài gần 150m dẫn lên ngôi đền. Ngay phía trên cầu thang này là hai tượng rắn thần Naga bảy đầu canh giữ hai bên. Tiếp đến là một khoảng sân dài 50m, chấm dứt bằng một cầu thang đá dẫn lên ngôi điện.
Cầu thang đá để lên cấp thứ nhất đã bị hư hỏng, vì vậy người ta đã làm một cầu thang bằng gỗ để thay thế đồng thời bảo vệ hiện trạng cho ngôi đền. Khi vừa bước lên cấp thứ nhất, du khách sẽ choáng ngợp bởi kiến trúc còn lại của ngôi đền, mặc dù đã bị hư hại và đổ vỡ 3 trong số 4 cửa hướng ra bốn phía, nhưng vẫn còn nguyên vẻ uy nghi, đường bệ. Kiến trúc tại cấp thứ nhất này chính là hình ảnh thường thấy trên báo chí và truyền hình, cũng như được in trên tiền giấy mệnh giá 2000 Riel của Campuchia. Có thể nói, đây là kiến trúc đặc trưng nhất của ngôi đền và mang yếu tố thẩm mỹ cao. Cũng tại đây, quốc kỳ Campuchia, cờ di sản của tổ chức UNESCO được cắm rất trang nghiêm. Sau gian điện này là một con đường lớn, dài gần 100m dẫn đến cấp thứ hai. Phía bên tay trái, một hồ nước hình chữ nhật rộng lớn được xây bằng đá vẫn còn khá nguyên vẹn, có các bậc thang để có thể dễ dàng bước xuống mép nước. Tương truyền, hồ nước này dùng để các vị vua tắm rửa tẩy sạch bụi trần trước khi bái lạy thần linh.
Con đường lát đá nối liền các cấp đền Preah Vihear
Sau khi lên đến cấp thứ hai là một kiến trúc mang phong cách Banteay Srei còn khá nguyên vẹn. Đá hồng và sa thạch được phối hợp để xây dựng ngôi điện này với rất nhiều họa tiết tinh xảo chạm khắc trên các khung cửa, mái điện. Một lối đi dài hơn 50m tiếp tục dẫn đến cấp thứ ba, là dãy kiến trúc lớn nhất của ngôi đền, vẫn mang phong cách Banteay Srei với những đường nét chạm khắc tuyệt đẹp. Ngôi điện tại cấp thứ ba này được nối dài sang hai bên bởi hai sảnh đường lớn, tạo nên một quần thể chắn ngang lối đi mang đến cảm giác hùng dũng cho ngôi đền.
Tại cấp thứ tư, ngôi điện thờ có niên đại vào thời kỳ Baphuon, cổng điện còn khá nguyên vẹn được trang trí bằng các chi tiết chạm khắc điêu luyện. Tại một gian thờ ở đây, những hình ảnh chạm khắc về truyền thuyết khuấy dòng biển sữa trường sinh của hai phe thần linh thiện và ác được trình bày rất ấn tượng trên cổng điện. Có thể xem đây là một kiệt tác chạm khắc của đền Preah Vihear.
Kiến trúc Banteay Srei tại đền Preah Vihear
Cấp thứ năm cũng là cấp cao nhất được ngăn cách với cấp thứ tư chỉ qua một khung cửa lớn. Điều này khác biệt với các cấp khác luôn được nối liền với nhau thông qua một con đường dài trải đá. Kiến trúc tại cấp này mang nặng dấu ấn của phong cách Koh Ker. Hai bên ngôi chính điện tại đây là hai dãy hành lang dài dẫn đến hai căn phòng bên ngoài, được cho là thư viện nơi các vị tu sĩ học tập. Chính giữa là chính điện mặc dù phía sau đã sụp đổ với các khối đá lớn nằm ngổn ngang, nhưng phần trung tâm vẫn còn giữ được đường nét khá nguyên vẹn với mái đá chắc chắn. Trong khi mái của hầu hết các điện thờ ở các cấp khác đã bị sập một phần hoặc hoàn toàn. Hiện trong chính điện tại đây, dân địa phương đã hoán cải thành một gian thờ Phật với các nhà sư túc trực, sẵn sàng làm lễ ban phước cho những du khách thành tâm với một chút công đức tùy ý.
Chính điện cấp thứ 5 đền Preah Vihear
Xuyên suốt qua ngôi đền, có thể thấy các công sự của lính Campuchia được bố trí rải rác, thậm chí, các khẩu súng DKZ 82mm được phủ bạt vẫn sẵn sàng trong các công sự này, hướng mũi súng về phía Thái Lan. Những người lính đóng quân tại đây chỉ cho chúng tôi một vài vết đạn pháo, được cho là của phía Thái Lan bắn qua khi xung đột xảy ra tại đây hồi tháng 2/2011. Họ nói rằng một góc của ngôi điện cấp thứ hai đã bị sụp đổ do đạn pháo của Thái Lan. Từ phía Bắc ngôi đền, nhìn sang bên kia biên giới có thể thấy các trạm gác của quân đội Thái, và một con đường trải nhựa rất đẹp dẫn đến gần ngôi đền. Trước đây, khi xung đột chưa nổ ra, cả hai bên đã hợp tác với nhau để khai thác du lịch từ phía con đường này. Bởi lúc đó, bên phía Campuchia không thể tiếp cận ngôi đền một cách dễ dàng như hiện nay. Thực ra, ngôi đền không phải là đối tượng tranh chấp của hai bên, mà chính khu vực bao quanh nó mới là chủ đề của bất đồng. Nhưng bản thân giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền đã trở nên một biểu tượng dễ bị tổn thương nhất. Do đó, luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người.
Bình nguyên rộng lớn nhìn từ mỏm đá đền Preah Vihear
Chúng tôi kết thúc chuyến viếng thăm ngôi đền thánh bằng việc chụp hình lưu niệm ngay nơi vách đá dựng đứng của ngôi đền, phía trước một ụ pháo bằng bê tông, sau lưng bên dưới xa xa là bình nguyên bao la phía lãnh thổ của Campuchia. Ánh nắng sớm không đủ mạnh để xua tan màn sương bên dưới, tạo nên vẻ u trầm cho quang cảnh nơi đây. Rất nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn khi đứng tại nơi đất trời lồng lộng như tại đây, ngắm nhìn lại ngôi đền cổ với những truyền thuyết ly kỳ, cũng như băn khoăn cho một tương lai còn nhiều biến chuyển.

No comments:

Post a Comment